Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức từ ngày 01/7/2025 được quy định như thế nào? Việc họp kiểm điểm công chức được tổ chức ra sao? Quy định về quyết định kỷ luật công chức?
Hãy cùng Luật Trường Minh Ngọc tìm hiểu về vấn đề này như sau:
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức từ ngày 01/7/2025 được quy định như thế nào?
Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức từ ngày 01/7/2025 được quy định tại Điều 16 Nghị định 172/2025/NĐ-CP:
- Thứ nhất, xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau đây:
+ Tổ chức họp kiểm điểm;
+ Thành lập Hội đồng kỷ luật;
+ Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
- Thứ hai, không thực hiện tổ chức họp kiểm điểm đối với trường hợp:
+ Xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 10 Điều 2 Nghị định 172/2025/NĐ-CP;
Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
10. Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức hiện đang đảm nhiệm. Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm phối hợp, cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật.
+ Xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 172/2025/NĐ-CP hoặc đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Điều 3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
3. Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Thứ ba, không thực hiện tổ chức họp kiểm điểm và thành lập Hội đồng kỷ luật đối với trường hợp:
+ Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định;
+ Công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
+ Đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.
Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
6. Cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất liên quan đến hoạt động công vụ thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất.
Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.
Các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 Nghị định 172/2025/NĐ-CP (không thực hiện tổ chức họp kiểm điểm; không thực hiện tổ chức họp kiểm điểm và thành lập Hội đồng kỷ luật) được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại.
Việc họp kiểm điểm công chức được tổ chức ra sao?
Tại Điều 17 Nghị định 172/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức họp kiểm điểm công chức từ ngày 01/7/2025, cụ thể:
- Trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm:
+ Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức chủ trì cuộc họp kiểm điểm. Trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định 172/2025/NĐ-CP hoặc trong cùng vụ việc bị xem xét kỷ luật thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức chủ trì cuộc họp;
+ Trường hợp người bị kiểm điểm là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
- Thành phần tham dự cuộc họp kiểm điểm:
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác là đơn vị cấu thành thì thành phần dự họp là toàn thể công chức của đơn vị cấu thành; đại diện lãnh đạo, cấp ủy cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức;
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức không có đơn vị cấu thành thì thành phần dự họp kiểm điểm là toàn thể công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức;
+ Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức được cử biệt phái thì ngoài thành phần quy định tại điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định 172/2025/NĐ-CP còn phải có đại diện lãnh đạo của cơ quan cử công chức biệt phái.
- Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:
+ Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do cuộc họp, thông báo hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thông báo các nội dung: tóm tắt về quá trình công tác; hành vi vi phạm; các hình thức xử lý đã ban hành (nếu có); thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người có hành vi vi phạm; thời hiệu và thời hạn xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Người có hành vi vi phạm trình bày bản kiểm điểm, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Trường hợp người có hành vi vi phạm có mặt tại cuộc họp nhưng không làm bản kiểm điểm hoặc vắng mặt nhưng có giấy đề nghị tổ chức cuộc họp vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
Trường hợp người có hành vi vi phạm vắng mặt ở cuộc họp theo thông báo triệu tập lần thứ 2 thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
+ Thành viên tham dự cuộc họp phát biểu, nêu rõ ý kiến về các nội dung quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 172/2025/NĐ-CP. Tại cuộc họp này không tiến hành biểu quyết, bỏ phiếu;
+ Người chủ trì cuộc họp kết luận.
Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, người chủ trì cuộc họp gửi báo cáo và biên bản cuộc họp kiểm điểm đến cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Báo cáo phải thể hiện rõ các nội dung sau đây:
- Hành vi vi phạm, tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm;
- Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Trách nhiệm của người có hành vi vi phạm;
- Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;
- Kiến nghị về việc xử lý kỷ luật; hình thức kỷ luật (nếu có) và trình tự thực hiện.
Quy định về quyết định kỷ luật công chức?
Quyết định kỷ luật công chức từ ngày 01/7/2025 được tiến hành theo trình tự tại Điều 21 Nghị định 172/2025/NĐ-CP:
- Trình tự ra quyết định kỷ luật:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc văn bản đề xuất của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm;
+ Trường hợp vi phạm của công chức có tình tiết phức tạp thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 172/2025/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý ra quyết định buộc thôi việc.
- Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
Dịch vụ Luật sư Dân sự của Luật Trường Minh Ngọc
>>> Xem thêm: Những điểm mới đáng chú ý của Luật Cán bộ, công chức năm 2025
>>> Xem thêm: Số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và những điều cần lưu ý
Trên đây là những chia sẻ của Luật Trường Minh Ngọc về vấn đề “Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức từ ngày 01/7/2025 được quy định như thế nào?”. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không phải là ý kiến tư vấn để giải quyết một vụ việc cụ thể. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
Liên hệ qua Hotline:
- Hotline 1: 093 694 1658 (zalo)
- Hotline 2: 0939 593 486 (zalo)
Liên hệ qua Facebook: Luật Trường Minh Ngọc - Luật sư của bạn
Liên hệ trực tiếp tại văn phòng: Tầng 3, 68 – 70 Hoàng Diệu, Phường 13, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh
Liên hệ qua email: infotruongminhngoc@gmail.com
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: infotruongminhngoc@gmail.com